Hậu quả và ý nghĩa Trận_Phì_Thủy

Bản đồ thời Ngũ Hồ thập lục quốc (khoảng 376-388). Viền đen và đỏ lần lượt là biên giới của Tiền Tần (màu hồng, phía Bắc) với Đông Tấn (màu vàng, phía Nam) trước và sau trận Phì Thủy

Trận Phì Thủy là trận chiến lớn nhất thời Ngũ Hồ thập lục quốc, quyết định cục diện đối lập nam bắc[3]. Là đại thắng của quân Đông Tấn với quân số ít hơn hẳn, trận Phì Thủy đã trở thành một trận "lấy ít thắng nhiều" tiêu biểu trong lịch sử.[1] Trận đánh quyết định sự tồn vong của nhà Đông Tấn vốn đã suy yếu vì loạn Ngũ Hồ, làm tan rã nhanh chóng đế quốc Tiền Tần hùng mạnh vừa được xác lập.

Nhân đà thắng lợi, Tạ An bèn cử Tạ Huyền làm Đô đốc tiên phong, cùng tướng Hàng Thạch Kiền đi đánh Tần. Quân Tạ Huyền chiếm được Viên Thành, Quyên Thành. Nhiều thành ở Hà Nam lần lượt xin hàng. Sau đó, ông dẫn quân đánh Thanh châu. Tướng Tần giữ Thanh châu là Phù Lãng bại trận xin hàng.

Đối với Phù Kiên, thất bại Phì Thủy là một đòn chí mạng. Đại quân Tiền Tần của Phù Kiên chạy về bắc, tan rã từng mảng. Ngay sau trận thua này, nhân sự suy yếu của Tiền Tần, các tướng dưới quyền bắt đầu thực hiện ý định ly khai, tái lập thế chia cắt Ngũ Hồ ở miền bắc như trước đây.

Con Tiền Yên vương Mộ Dung Tuấn là Mộ Dung Thùy lập ra nước Hậu Yên, một tướng khác là Mộ Dung Xung chiếm vùng Sơn Tây lập ra nước Tây Yên.Năm 384, một đại tướng người Khương là Diệu Tràng, nhân bị sai đi đánh Tây Yên bại trận, sợ bị Phù Kiên bắt tội, bèn ly khai, lập ra nước Hậu Tần.

Cùng năm 384, tướng Lã Quang ly khai lập ra nước Hậu Lương. Năm 385, một thủ lĩnh người Tiên Ti khác là Khuất Phục Quốc Nhân cũng nổi dậy xé đất Tần, lập ra nước Tây Tần (ở vùng Cam Túc ngày nay). Dòng dõi nước Bắc Đại cũ là Thác Bạt Khuê (cháu nội Thác Bạt Thập Dực Kiền), được một số cựu thần trung thành, nhân khi thiên hạ đại loạn, đón lập làm vua, tái lập nước Bắc Đại, đến năm 386 đổi tên là Nguỵ, sử gọi là Bắc Ngụy.

Như vậy, chỉ sau một thời gian rất ngắn sau trận Phì Thuỷ, miền bắc lại bị chia cắt trở lại, trên bản đồ phía bắc có sự tồn tại của 7 quốc gia.

Bản thân Phù Kiên không sao lập lại được thế thống nhất như trước đây. Không chống nổi sự trỗi dậy các bộ tộc, Phù Kiên bị vua Hậu Tần là Diệu Tràng bắt giết năm 385.

Trận thắng lớn này của quân Đông Tấn được xem là một trong những trận chiến lừng danh nhất trong lịch sử Trung Quốc.[2] Từ các sự kiện của trận Phì Thủy người Trung Quốc đã sáng tác một câu thành ngữ nổi tiếng:

風聲鶴唳草木皆兵
Phong thanh hạc lệ, thảo mộc giai binh

Câu thành ngữ này để chỉ quân Tần khi rút chạy sợ hãi đến mức nghe tiếng gió rít (phong thanh), hạc kêu (hạc lệ), nhìn thấy cây cỏ (thảo mộc) mà cũng tưởng là quân Tấn đang đuổi theo mình. Ngoài ra, một thành ngữ khác của người Trung Quốc là "đầu biên đoạn lưu" cũng có nguồn gốc từ thảm họa Phì Thủy của quân Tiền Tần[1].

Liên quan